HomeStartupCựu du học sinh làm nền tảng dạy trực tuyến

Cựu du học sinh làm nền tảng dạy trực tuyến

Học trực tuyến đang trở thành xu hướng được các đơn vị giáo dục sử dụng trong giảng dạy nhiều năm gần đây. Tuy nhiên nhiều ứng dụng học trực tuyến vẫn còn hạn chế là chưa tạo hứng khởi cho cả người dạy lẫn người học, dễ dẫn đến tâm lý chán nản, thiếu hiệu quả trong đào tạo.

Từ những trăn trở đó, năm 2018, Phạm Quang Phúc và Nguyễn Tuấn Anh – hai cựu du học sinh chuyên ngành công nghệ ở Nga và Ukraina, đã bắt tay phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến Edulive. Thay vì chỉ đơn thuần xây dựng hệ thống lớp học ảo, hội nghị trực tuyến, Edulive tập trung vào kiểm soát chất lượng thông qua tính năng tương tác đa chiều giữa người dạy và học. Trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào hệ thống giúp người dạy chủ động quản lý thời gian dạy, lên lịch học, chấm công, theo dõi điểm chuyên cần của người học, ứng dụng để giáo viên đo lường, phân tích mức độ tập trung của học viên. 

“Hiệu quả đến từ sự đơn giản, do đó khi thiết kế hệ thống chúng tôi cố gắng đơn giản hóa, tinh lọc từng công cụ để người học và người dạy dễ sử dụng, mang đến hiệu quả cao”, anh Quang Phúc nói.

Theo đó, người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản, lên lịch buổi học và bắt đầu quá trình học tập, không cần mất thời gian để tìm hiểu, học về hệ thống. Dự án hướng tới tối ưu hóa hiệu quả cho người dùng, sử dụng được trên đa nền tảng (Androi, iOS hoặc trên website). Mỗi lớp học hỗ trợ truy cập tối đa 50 người. Tại một thời điểm, sẽ có 4 học sinh được hiển thị trên màn hình, luân phiên nhau. Giáo viên sẽ chỉ định hoặc học sinh chủ động phát biểu.

Giao diện lớp học trên Edulive. Ảnh chụp màn hình. 

Ảnh chụp màn hình giao diện lớp học trên Edulive. 

“Edulive bắt buộc học sinh phải tương tác trên bài giảng của giáo viên, đây là điểm khác biệt của so với các nền tảng học ảo khác”, anh Tuấn Anh nhận xét.

Ví dụ với một bài về phản ứng hóa học trên Edulive, thầy cô có thể soạn bài giảng và làm mẫu thí nghiệm, tạo bài tập tương tác ngay trên hệ thống để học sinh chủ động phát biểu và thực hành. Giáo viên có thể kiểm soát chất lượng bài giảng, khả năng hiểu bài, chủ động của học sinh ngay tại buổi học online. Nhà quản lý giáo dục kiểm soát được chất lượng dạy của giáo viên qua kết quả tương tác đa chiều như hiệu quả của giáo án, mức độ hiểu bài của học sinh từng lớp, từ đó có kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học.

Bước đầu Edulive đã được đón nhận tại các trung tâm dạy ngoại ngữ, sau đó mở rộng ra các tổ chức giáo dục, cá nhân, trung tâm tư nhân, trung tâm ngoại ngữ, doanh nghiệp cần đào tạo nội bộ. Gói căn bản hỗ trợ sử dụng miễn phí còn với gói nâng cấp, người dùng phải trả phí để sự dụng những tính năng cao cấp với mức giá từ 300.000 đến 500.000 đồng mỗi tháng tùy theo quy mô lớp học.

Đến nay, Edulive có 10.000 người dùng bao gồm giáo viên và học sinh tham gia hệ thống. Đây cũng là thời điểm dự án chú trọng chiến lược truyền thông, quảng bá đến nhiều đối tượng khách hàng hơn nữa, nâng cấp hệ thống, giúp người dùng tạo tài liệu, lưu trữ thành kho dữ liệu số để người học và người dạy sử dụng lâu dài.

“Chúng tôi hướng đến số hóa từng môn học, mở rộng hệ thống đến nhiều đối tượng khách hàng, kỳ vọng tiến ra thị trường quốc tế bắt tay với những đối tác lớn hơn”, đại diện Edulive nhấn mạnh. 

Hà Thanh

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img