Công cụ nhận diện gương mặt của một hãng công nghệ Ba Lan cho phép người dùng tìm kiếm mọi hình ảnh của mình trên mạng.
PimEyes, một website của Ba Lan, cung cấp công cụ nhận diện gương mặt miễn phí, giúp người dùng tránh được việc hình ảnh của họ bị xâm phạm trên Internet.
Cụ thể, khi đăng hình bản thân lên PimEyes, công cụ sẽ tự động tìm kiếm mọi hình ảnh đó trên khắp các nguồn trên Internet như Tumblr, YouTube, WordPress cùng nhiều trang tin khác. Nếu nhận thấy hình ảnh của mình bị sử dụng bất hợp pháp trên các nguồn trực tuyến, người dùng có thể liên lạc với các website xâm phạm và yêu cầu gỡ bỏ.
Để kiếm tiền, những người sáng tạo ra PimEyes đưa ra một tính năng “cao cấp” buộc người dùng phải trả phí. Ở đó, người dùng có thể tự đăng ảnh một gương mặt nào đó lên website này. Mỗi khi hình ảnh mới nào liên quan bị đăng lên mạng Internet, PimEyes sẽ lập tức cảnh báo. Tính năng này cho phép theo dõi tới 25 khuôn mặt cùng lúc.
Hiện PimEyes mở rộng dịch vụ, cho phép các nhà phát triển tìm kiếm 100 triệu lượt mỗi tháng với giá cả tương ứng.
Thực tế, các website tích hợp công nghệ tìm kiếm gương mặt không quá mới. Về bản chất, ứng dụng của PimEyes không khác biệt so với dịch vụ ClearView AI của kỹ sư gốc Việt, Hoan Ton-That, từng gây xôn xao tại Mỹ hồi đầu năm và đang được cảnh sát cùng các cơ quan hành luật tại nhiều quốc gia sử dụng. Tuy nhiên, nếu xét về hiệu năng, Pim Eyes không mạnh mẽ được như ClearView AI bởi số lượng mạng xã hội mà nó có thể quét thông tin bị giới hạn hơn.
Năm 2016, hãng công nghệ NtechLab đã đưa ra công cụ có tên FindFace với tính năng tương tự PimEyes. Những người sáng lập muốn FindFace trở thành công cụ hữu ích giúp nam giới tìm ra những người phụ nữ đang muốn hẹn hò. Tuy vậy, sau một thời gian hoạt động, dịch vụ này bị chính phủ buộc phải đóng cửa.
“Bạn có thể đăng một tấm ảnh ngôi sao nổi tiếng mà mình yêu thích, hoặc người yêu cũ, và công cụ sẽ tìm ra 10 cô gái có ngoại hình tương tự để bạn nhắn tin cho họ”, Alexander Kabakov, người đồng sáng lập FindFace từng trả lời tờ The Guardian.
Google cũng có tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh. Tuy vậy, công cụ của họ không sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt nhất định nào cả. Điều này được đại diện của hãng xác nhận với trang OneZero hồi đầu năm.
Thay vào đó, Google sẽ tổng hợp khối siêu dữ liệu liên quan đến thành phần trong ảnh, nền của bức ảnh cũng như các yếu tố không mang tính sinh trắc học, để xem chúng có tương đồng với tấm hình được đưa ra hay không rồi mới đưa ra các gợi ý tìm kiếm. Chính vì vậy, khi người dùng đăng một tấm ảnh nào đó của bản thân lên để tìm kiếm bằng Google, họ vẫn có thể nhận lại kết quả là gương mặt của một người khác.
Website PimEyes có viết rõ, công cụ của họ cho phép tìm kiếm cả trên dark web và công ty có những hợp đồng đặc biệt về tính năng này dành riêng cho các cơ quan hành luật. Bên cạnh đó, các thuật toán của PimEyes còn có thể được tích hợp vào ít nhất một ứng dụng của công ty khác. Hiện tại, PimEyes đang hợp tác với Paliscope, một phần mềm nhận diện gương mặt trong video và văn bản. chuyên dành cho các điều tra viên trong các cơ quan hành luật. Đại diện của Paliscope cho biết họ đang hợp tác với 4theOne Foundation, một tổ chức chuyên tìm cứu trẻ em bị buôn bán.
Hiện tại, vẫn có nhiều câu hỏi được đặt ra đối với dịch vụ của PimEyes, ví dụ, nó làm thế nào để thu thập dữ liệu từ gương mặt mỗi con người, nó sẽ kết hợp thế nào với các cơ quan hành luật để hoạt động và thuật toán tìm kiếm chính xác đến mức nào.
Bên cạnh đó, không có gì đảm bảo được rằng PimEyes không bị kẻ xấu lợi dụng để lén lút theo dõi người khác. Phía cung cấp dịch vụ cũng không bình luận gì khi được đặt câu hỏi về vấn đề này.
Yến Oanh (theo OneZero)