HomeGiáo dụcCó nên tiếp tục ăn tết ta?: ‘Tết nên giữ nhưng phải...

Có nên tiếp tục ăn tết ta?: ‘Tết nên giữ nhưng phải chấp nhận sự đa dạng’ | Giáo dục

Trước tranh luận có nên giữ lại Tết Nguyên đán hay chỉ ăn Tết dương lịch như nhiều nước, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Tết Nguyên đán vẫn có giá trị riêng

Thưa giáo sư, hiện nay một số người cho rằng chúng ta nên gộp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán làm một vì… có quá nhiều tết, ý kiến của ông như thế nào?
– Đúng là Việt Nam đang có hai cái tết song hành, nhưng mà thực chất người Việt quan tâm và trông chờ nhiều hơn vào tết truyền thống hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, người lao động sẽ có một kỳ nghỉ lễ dài để nghỉ ngơi, sum họp gia đình.  Tết tây chỉ gọi là “cho có” vì hằng năm người Việt được nghỉ một ngày và nhiều người coi đây chỉ là một ngày nghỉ chứ không coi đây là tết. Do vậy không nên cào bằng để nói rằng ta có tới hai cái tết (như nhau).
Hơn nữa, việc có nên bỏ Tết Nguyên đán hay không không phụ thuộc vào những lý do hay ý kiến của một số cá nhân mà nó phụ thuộc vào tình cảm của con người. Tết Nguyên đán là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí người Việt từ người già đến trẻ con nên không dễ thay đổi hay bỏ đi được.


Có nên tiếp tục ăn tết ta?: ‘Tết nên giữ nhưng phải chấp nhận sự đa dạng’ - ảnh 1

Xin chữ ngày xuân trên phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM

Tết Nguyên đán hằng năm, trong khi người lao động Việt Nam nghỉ lễ khá dài ngày thì các nước vẫn trong vòng quay phát triển. Liệu điều này có khiến nền kinh tế của Việt Nam tụt lại phía sau không, thưa giáo sư?

– Theo tôi, mọi việc đều có hai mặt và việc nền kinh tế tụt hậu hay chậm phát triển có rất nhiều lý do, nghỉ tết dài hay ngắn không phải và không thể là lý do quyết định đến sự phát triển của một nền kinh tế.

Trên thực tế, tuy Tết có thể khiến một số ngành sản xuất, một số lĩnh vực hoạt động bị ảnh hưởng nhưng bù lại đây cũng là dịp thu về nhiều nguồn lợi lớn trong lĩnh vực tiêu dùng, du lịch, làm gia tăng nguồn thu ngoại tệ… Những nhà quản lý năng động vẫn có nhiều cách để bù lại thời gian đã mất (cho nghỉ luân phiên, tăng lương cho người làm trong thời gian tết…).

Tết là giá trị văn hóa dân tộc, là của chung mọi người, không phải của riêng ai. Việc giữ hay bỏ phải dựa vào ý muốn của đại đa số dân chúng. Nếu muốn tính toán thiệt hơn để đi đến quyết định có nên bỏ tết ta hay không thì cần phải có một cuộc điều tra dư luận rộng rãi, rõ ràng. Những cuộc tranh luận cảm tính hiện nay chưa thể làm cơ sở để đi đến thống nhất được.

Nên đa dạng hoá hình thức đón tết

Vậy, chúng ta phải làm gì để giữ lại được những nét văn hóa đặc sắc của tết cổ truyền người Việt?

– Những nét văn hóa đặc sắc của tết cổ truyền người Việt nằm sâu ở tầng giá trị, mà giá trị của tết truyền thống không phải ở hình thức. Việc có còn dựng cây nêu, đốt pháo, nấu bánh chưng hay không không phải là yếu tố quyết định giá trị của nó.

Ngày xưa, khi đời sống vật chất còn thiếu thốn thì người Việt ăn tết là chính, nhà nào cũng cố gắng nấu nồi bánh chưng thật to, trước là để thờ cúng ông bà tổ tiên, sau đó là đãi khách. Còn ngày nay khi cuộc sống đã no đủ hơn, dịch vụ tiện lợi, bánh chưng được bán quanh năm thì nhiều người không còn háo hức như xưa. Nhiều người đợi đến gần tết mới mua vài cặp bánh chưng đặt lên bàn thờ, vừa tiện vừa đỡ lãng phí.

Tương tự, việc sum họp gia đình cũng vậy. Ngày xưa, ở nông thôn, thường con cháu lấy chồng lấy vợ gần nhau, các gia đình ít có người đi làm ăn xa nên việc sum họp gia đình khá dễ dàng, đông đủ, việc đi lại tàu xe cũng không vất vả gì nhiều.

Nhưng ngày nay khác rồi, khi đất nước hội nhập, mở cửa nên lớp trẻ ở quê đi học, người lớn đi làm ăn xa rất nhiều. Giao thông đi lại và liên lạc điện thoại, video-chat quá dễ dàng, không nhất thiết nhà nào cũng phải chờ đến tết.

Việc đón tết xa quê, ở đô thị, hay đi du lịch… đều có giá trị riêng. Do vậy, chúng ta không nên cứng nhắc với suy nghĩ “Tết là phải về quê sum họp” mà thay vào đó ta nên chấp nhận việc đa dạng hóa các hình thức ăn tết và chơi tết. 

Nhưng chúng ta phải làm gì với một số phong tục đang dần bị mai một thưa ông?

– Văn hóa, cũng như mọi thứ khác, luôn luôn biến đổi để thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh. Trong đó phần vật chất, hình thức sẽ thay đổi nhanh hơn; phần tinh thần, nội dung sẽ bảo tồn được lâu hơn. Con người Việt Nam và tết Việt Nam cũng đang và sẽ thay đổi. Tất cả đều phục vụ cho việc mang lại hạnh phúc cho con người.

Chúng ta cũng cần phải xem những phong tục mai một đó là gì. Những phong tục ngày xưa, nếu không còn phù hợp với thời đại hiện nay nữa thì tự nó sẽ bị thay thế.

Ví dụ ngày xưa, tiếng pháo nổ là một đặc trưng của ngày tết thì đến nay đã bị cấm hoàn toàn. Do vậy, có những phong tục mất đi và những phong tục mới sẽ hình thành thay thế. Chúng ta không nên lo lắng chuyện có bao nhiêu phong tục truyền thống ngày tết bị mai một, chỉ cần nó có giá trị với mỗi người ở những thời kỳ khác nhau là được.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img