HomeGiải tríChuyện lạ An Giang: Bò lên ngôi, dân cho bò uống nước...

Chuyện lạ An Giang: Bò lên ngôi, dân cho bò uống nước tăng lực – Chuyện lạ

Từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện, giá thịt heo trên địa bàn tỉnh An Giang xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi gặp khó.

Thay thế thịt heo trong bữa ăn hàng ngày, người tiêu dùng đẩy mạnh ăn thịt bò. Động thái tiêu dùng này đã làm cho giá thịt bò trên thị trường tăng khoảng 30%. Đây là cơ hội để các hộ chăn nuôi tái đàn, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để có được lợi nhuận cao.

Cơ hội tái đàn

Những ngày qua, ông Nguyễn Chí Hiền (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) rất phấn khởi vì gia đình ông vừa xuất chuồng được 8 con bò thịt (trong số tổng đàn 16 con). Với 8 con bò vừa bán, sau khi trừ chi phí ông lãi gần 100 triệu đồng.

Chuyện lạ An Giang: Bò lên ngôi, dân cho bò uống nước tăng lực - Hình 1

Nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò.

Không riêng gia đình ông Hiền, nhiều hộ nuôi bò ở các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành cũng phấn khởi vì bò hơi đang được thương lái mua giá cao.

“Hơn 5 năm qua, chưa năm nào nông dân phấn khởi như hiện nay. Thương lái tìm đến chuồng mua với giá từ 85.000 – 90.000 đồng/kg, trong khi trước đó, bình quân họ chỉ trả giá từ 60.000 – 65.000 đồng/kg. Đây là cơ hội để nông dân đẩy mạnh tái đàn, gỡ lỗ trong những năm 2014, 2015 và 2016″ – ông Hiền thông tin.

“3 năm trước, bê 1 năm tuổi có giá bình quân dưới 10 triệu đồng/con, nay muốn mua về vỗ béo, phải cầm từ 15 triệu đồng mới mua được. Con bò “lên ngôi” nhưng tôi rất lo vì có nhiều hộ tái đàn, rồi đây 1 năm nữa, không biết bò thịt còn có giá như hiện nay, bởi bà con mình cứ chạy theo phong trào, trong khi ngành chức năng đến nay vẫn chưa đưa ra được dự báo về thị trường tiêu thụ cho các loại nông sản hàng hóa, trong đó có thịt bò..” – ông Trần Văn Lanh (xã An Mỹ, Chợ Mới) phân tích.

Nỗi lo của ông Lanh hoàn toàn có cơ sở. Bởi, những năm 2011, 2012, bò hơi trên địa bàn tỉnh cũng có giá rất cao. Thời điểm này, các doanh nghiệp lớn cả nước như: Hoàng Anh Gia Lai, Vissan chưa tiến hành nhập thịt bò Úc vào Việt Nam để xẻ thịt.

Thấy bò giá cao, nhiều người đổ xô tái đàn, làm cho giá con giống cao ngút và trở nên khan hiếm. Lúc này, tình hình chẳng khác con giống cá tra vào năm 2017, 2018 vừa qua. Hậu quả là sau thời gian có quá nhiều người thả nuôi thì thị trường “cung vượt cầu”, thua lỗ đã xảy ra.

“Điều nông dân trong tỉnh mong muốn nhất hiện nay là cơ quan chức năng của nhà nước cần đưa ra dự báo về thị trường cho các loại nông sản hàng hóa để từ đó khuyến cáo nông dân trong vụ này, năm này nên trồng cây gì, nuôi con gì để có thị trường tiêu thụ dễ dàng” – ông Lanh kiến nghị.

Áp dụng kỹ thuật

Bò thịt có giá, nông dân các xã: Mỹ An, Tấn Mỹ, An Thạnh Trung (Chợ Mới), Vĩnh Hòa, Tân An, Long An, Phú Vĩnh (Tân Châu), Mỹ Đức, Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vỹ (Châu Phú) đã đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi.

Nếu trước đây, bà con cho bò ăn rơm, bánh liếm, uống sô-đa hột gà, dây cốc và tăng thêm thức ăn hỗ hợp để bò mau lớn thì nay, ngoài những kỹ thuật vừa nêu, nông dân chăn nuôi bò giỏi như ông Bảy Châu (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu), ông Sáu Thành (xã Mỹ An, Chợ Mới), ông Tư Dễ (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) còn cho bò uống các loại nước dinh dưỡng, tăng lực, trong đó có hỗn hợp các loại vi sinh để kích thích tiêu hóa, giúp bò ăn nhiều, ngủ nhiều để mau lớn.

Ngoài việc mau lớn, loại nước tăng lực này còn giúp cho con bò đi ra phân không hôi. Đây là những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò hiện nay.

“Tôi được cán bộ khuyến nông thị xã hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, trong đó có sử dụng loại nước uống tăng lực làm cho bò khỏe, ăn nhiều, ngủ nhiều, mau lớn. Tôi thấy cách nuôi này rất hiệu quả. Tôi sử dụng loại nước tăng lực này 2 tháng nay, mỗi ngày tôi pha 3cc vào 10 lít nước cho bò uống. Sau 2 tháng, bò rất mướt lông, tăng trọng nhanh, tôi rất phấn khởi”- ông Nguyễn Văn Châu (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) phân tích.

Nếu trước đây, nông dân chuyên chăn nuôi bò của tỉnh nuôi bò vỗ béo phải mất từ 8 – 12 tháng mới xuất chuồng thì nay, bà con chỉ nuôi khoảng 8 tháng là bán cho lái, từ đó đồng vốn quay nhanh, 2 năm bà con nuôi được 3 lứa.

Tranh thủ lúc bò có giá, nhà nào cũng tăng đàn, từ đó làm cho bê giống cũng tăng giá theo. “Để hạn chế việc tăng giá bê giống, chúng tôi đã tìm đến các trại giống ở chợ bò Tà Ngáo (Tịnh Biên) mua bò Italia của Campuchia về nuôi vỗ béo, chứ mua các giống bò ở Bến Tre như bò cọp, 3B thì giá cao lắm…”- ông Trần Văn Thành (xã Mỹ An, Chợ Mới) phân tích.

Theo Minh Hiển (Báo An Giang)



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img