Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN cam kết không thêm các hàng rào phi thuế quan, thuế quan để thuận lợi cho dòng luân chuyển hàng hoá, dịch vụ, khôi phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng sau Covid-19.
Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN, ASEAN +3 theo hình thức trực tuyến bàn giải pháp ứng phó, kế sách kết nối chuỗi cung ứng sau Covid-19 diễn ra hôm nay (4/6) tại Hà Nội.
Tại họp báo diễn ra sau đó, ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Công Thương cho biết, Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang có nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Covid-19 đã khiến đóng băng các ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, hàng không và khách sạn trong khu vực. Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng, sản xuất cũng bị gián đoạn do sức ảnh hưởng lớn của đại dịch. Đặc biệt, thương mại thế giới cũng bị tác động tiêu cực do sự gián đoạn của các nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc – quốc gia đóng góp 12% thương mại toàn cầu trong chuỗi giá trị, và do đó, gây ra tác động làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, tăng giá các hàng hóa cuối cùng trong chuỗi giá trị.
Các chuỗi cung ứng, dịch vụ, sản xuất toàn xã hội bị gián đoạn đi kèm với sự suy thoái kinh tế, tài chính dẫn đến hệ lụy suy giảm cung – cầu của lao động toàn cầu, việc làm và phúc lợi xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực, vốn đã bất ổn nay càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Nhưng ngoài Covid-19, theo ông Tuấn Anh, các nước trong khu vực, kinh tế toàn cầu cũng đang đối diện với nhiều nhân tố đe doạ tới ổn định chung như cạnh tranh địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ…
Ứng phó trước tình huống này, Bộ trưởng các nước ASEAN thống nhất kế hoạch hành động Hà Nội, xây dựng nền tảng tạo thuận lợi thương mại trong ASEAN.
“Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN cam kết không ban hành thêm các hàng rào phi thuế quan, thuế quan để tạo thuận lợi cho dòng luân chuyển hàng hoá, dịch vụ”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Ngoài ra, các nước trong khu vực cũng thống nhất tận dụng công nghệ, thương mại số để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động, khôi phục sản xuất trong bối cảnh Covid-19.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Tuấn Anh nói thêm, Chính phủ cũng đang thận trọng xem xét việc mở lại giao thương từng bước với các thị trường khu vực ASEAN, ASEAN +3 thời gian tới. Trước mắt, các hoạt động giao thương với các nước vẫn được Chính phủ Việt Nam xúc tiến qua kênh trực tuyến, thương mại điện tử… để tránh sự gián đoạn giao lưu thương mại nội khối ASEAN.
Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cũng đề xuất lập Quỹ ASEAN phòng chống Covid-19, kho dự trữ vật tư y tế của khu vực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung về các vật tư y tế… Ngoài ra, Việt Nam cũng đã kêu gọi xây dựng một quy trình ứng phó chung, dựa trên các hướng dẫn của WHO nhằm tận dụng một cách hiệu quả và đồng bộ các biện pháp kiểm dịch trong cáct rường hợp nhập cảnh quốc tế.
Anh Minh