HomeBất động sảnBán đấu giá khoản nợ của Công ty CIC 8: Ai hưởng...

Bán đấu giá khoản nợ của Công ty CIC 8: Ai hưởng lợi?

Bán đấu giá khoản nợ của Công ty CIC 8: Ai hưởng lợi?

Doanh nghiệp, ngân hàng, chính quyền cho rằng, bán đấu giá khoản nợ của Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC8, Chi nhánh Cần Thơ – gọi tắt là Cty 8) là giải pháp tối ưu nhất để “cứu” doanh nghiệp và lấy sổ đỏ về cho người dân. Nhưng, người dân không đồng ý vì cho rằng không có cơ sở đảm bảo quyền lợi cho họ.


Bán đấu giá khoản nợ của Công ty CIC 8: Ai hưởng lợi?

Một góc khu đô thị mới Hưng Phú của Cty 8 thực hiện. Trong đó, rất nhiều ngôi nhà đã bán cho dân nhưng chưa được giao sổ đỏ. Ảnh: TR.L

Không đưa ý kiến của người dân vào quy chế đấu giá bán nợ

Tính đến đầu tháng 10.2019, đã có nhiều buổi đối thoại diễn ra, nhưng việc bán nợ của Cty 8 vẫn đi vào bế tắc. Cty này là chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Hưng Phú (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ). Sau khi bán hàng trăm căn nhà cho người dân, Cty 8 không giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), mà mang đi thế chấp ngân hàng rồi mất khả năng chi trả.

Gần đây, người dân phản ứng quyết liệt khi hay tin ngân hàng cho bán đấu giá khoản nợ 186 tỉ đồng của Cty 8. Trong buổi đối thoại gần đây, ông Huỳnh Hữu Phước – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng GĐ Cty 8 – cho biết, còn khoảng 200 sổ đỏ đang được thế chấp tại ngân hàng. Khi mua bán khoản nợ, công ty sẽ tiến hành phương án lấy sổ đỏ và tiếp tục cùng bên mua khoản nợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, để làm những sổ đỏ còn lại cho người dân. Đây là phương án tốt nhất cho cả 3 bên gồm công ty, ngân hàng và người dân.

Người dân tỏ ra hoài nghi về việc bán nợ, và yêu cầu đưa vào quy chế đấu giá một số điều, đặc là phải giải chấp toàn bộ tài sản bảo đảm, thực hiện nghĩa vụ lập thủ tục cấp sổ đỏ cho dân, không phát mãi tài sản nhà và đất mà khách hàng đã mua. Tuy nhiên, phía ngân hàng không đồng ý.

Ông Đoàn Hòa Minh (mua nhà trong dự án) cho hay: “Giả sử một đơn vị nào đó đấu giá trúng, họ sẽ thanh toán nợ với ngân hàng. Khi đó, ngân hàng sẽ giải chấp các tài sản (bao gồm sổ đỏ của dân) cho đơn vị này. Không có một cơ sở nào đảm bảo rằng, bên trúng nợ sẽ trả sổ đỏ cho dân, thậm chí, họ có thể mang sổ đỏ đi tái thế chấp lần nữa. Chúng tôi chỉ thấy Cty 8 có lợi nhất là họ hết nợ, còn lợi của người dân thì không có” – ông Minh nói.

Không bán đấu giá khoản nợ thì ra tòa?

Từ năm 2017, Công an TP.Cần Thơ được giao điều tra vụ Cty 8 thế chấp hàng trăm sổ đỏ của dân. Nguồn tin của Lao Động cho biết, CA TP.Cần Thơ xác định “chưa phát hiện có dấu hiệu tội phạm liên quan Cty 8”. Lý do CA TP.Cần Thơ đưa ra là “nếu có dấu hiệu lừa đảo, thì phải có hành vi gian dối để người khác tin, giao tài sản cho mình và gây thiệt hại. Còn ở đây, người dân chỉ thiệt hại duy nhất là không có sổ đỏ”!.

Công an TP.Cần Thơ nêu quan điểm, bán đấu giá nợ là biện pháp tốt nhất hiện nay để cấp sổ đỏ cho người dân. Nếu không bán đấu giá, chỉ còn cách phải kiện ra tòa. Trong trường hợp đó, cả 2 bên đều thiệt hại, cuối cùng phải xử lý tài sản để khắc phục hậu quả.

Ông Lê Quang Mạnh – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ khẳng định rằng, địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, đã kiên trì làm việc với Cty 8 và phía ngân hàng để rút ra sổ đỏ cho dân.

TRẦN LƯU – HƯNG THƠ

Lao động



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img